CÔNG TY CP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC AN THÁI - CHÚC NÔNG DÂN ĐƯỢC MÙA-BỘI THU-GIÁ TỐT

1245

Công ty CP ứng dụng công nghệ sinh học An Thái

Gia tăng nạn trộm phá cây tiêu ở Tây Nguyên

25/03/2014 12:46:47 GMT+7

Những năm gần đây, cùng với một số loại nông sản khác, nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên phấn khởi nhờ giá tiêu tăng. Nhiều hộ dân trồng tiêu đã đổi đời, không ít xóm làng nông thôn mới mọc lên nhờ cây tiêu.

Cây tiêu đã lan rộng tới nhiều địa phương. Tuy vậy, giá tiêu tăng cũng gây ra một số mặt trái của nó, nhiều kẻ không chịu lao động nhưng muốn hưởng thành quả bằng việc… trộm tiêu.

Không chỉ hái trộm mà còn phá hoại

Hiện nay, trên địa bàn Tây Nguyên đang vào vụ thu hoạch tiêu, nhiều vườn quả vẫn đang còn non nhưng cũng đã bị kẻ xấu hái trộm. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, nhiều gia đình không dám đi chơi Tết, phải bám trực tại rẫy để canh giữ...

Giá tiêu trên thị trường hiện tăng khá cao, thậm chí giá hạt tiêu lép đã lên đến 100 - 110 ngàn đồng/kg nên tình trạng hái trộm tiêu non diễn ra càng phức tạp.

Gia đình anh Nguyễn Hùng Dũng, xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) có vườn tiêu hơn 100 trụ chuẩn bị thu hoạch. Do vườn tiêu cách nhà 5km ở khu vực giáp ranh giữa xã Quảng Tiến với xã Ea Đrơng, sau khi về nhà ăn Tết không có người trông coi, lợi dụng sơ hở nên ngày mồng 1 Tết Giáp Ngọ, kẻ xấu vào vườn hái trộm, ước tính mất khoảng vài chục kilogam tiêu hạt.

Khi hàng xóm phát hiện và báo lại, anh đã phải vào vườn túc trực, dù là ngày Tết. Anh Dũng cho hay, mỗi vụ vườn tiêu cho thu hoạch được hơn 6 tạ, năm nay dự tính thu hoạch khoảng một tấn, nhưng trước nạn trộm cắp như vậy, đến khi thu hoạch không biết sẽ còn được bao nhiêu!

Những năm gần đây, cùng với một số loại nông sản khác, nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên phấn khởi nhờ giá tiêu tăng. Nhiều hộ dân trồng tiêu đã đổi đời, không ít xóm làng nông thôn mới mọc lên nhờ cây tiêu. Cây tiêu đã lan rộng tới nhiều địa phương. Tuy vậy, giá tiêu tăng cũng gây ra một số mặt trái của nó, nhiều kẻ không chịu lao động nhưng muốn hưởng thành quả bằng việc… trộm tiêu.

Nhiều hộ dân phải ăn Tết tại vườn tiêu ngừa “tiêu tặc”.

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng diễn ra nhiều trường hợp tương tự. Chị Nguyễn Thu Hòa, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh (Gia Lai) bức xúc, lợi dụng thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, bà con nông dân tập trung lo Tết, vui xuân, "tiêu tặc" đã lộng hành hái trộm rất nhiều. Chỉ một đêm trong tháng Chạp vừa qua, "tiêu tặc" đã vào rẫy hái trộm gần 20 trụ tiêu đang còn non, không chỉ hái trái mà chúng còn phá hoại cả lá và nhánh tiêu. Chị Hòa bức xúc: Nhiều hộ dân trồng tiêu khác trên địa bàn xã Ia Phang cũng bị bọn trộm tiêu "viếng thăm" rẫy tiêu vào ban đêm… Rất mong ngành chức năng kịp thời vào cuộc ngăn chặn bọn trộm để bà con yên tâm làm ăn.

Thủ thuật trộm cắp

Nhiều hộ dân khác trong vùng cũng chịu chung số phận. Theo phản ánh của nhiều hộ dân, "tiêu tặc" dùng bạt nhựa trải quanh gốc rồi dùng cào sắt kéo để cho tiêu rụng xuống lấy quả. Thậm chí có trường hợp, "tiêu tặc" chặt dây hoặc cả gốc tiêu rồi chuyển đến chỗ vắng người tuốt lấy hạt. Nhiều lần chủ vườn phát hiện "tiêu tặc", ra xua đuổi thì bị thách thức, chống trả… vì "tiêu tặc" thường hoạt động theo từng nhóm, có khi cả chục người.

Theo một nông dân ở xã Quảng Tiến, trong vụ tiêu năm ngoái, anh Huỳnh Văn Ngẫu - một nông dân trong cùng xã, khi phát hiện kẻ trộm nên xua đuổi và báo chính quyền xử lý. Nhưng một thời gian sau vườn tiêu của anh Ngẫu bị kẻ xấu lợi dụng lúc vắng người chặt phá hơn 100 trụ, thiệt hại hơn trăm triệu đồng. Từ đó, người dân sợ "tiêu tặc" trả thù nên không dám mạnh tay.

Không chỉ ở xã Quảng Tiến mà các địa phương như Quảng Hiệp, Ea Kiết, Ea M'droh… cũng xảy ra nạn mất trộm tiêu. Anh Cao Mạnh Tuấn, xã Quảng Phú cho hay, kẻ gian không chỉ hái trộm mà còn tàn ác hơn là lẻn vào vườn tiêu bẻ cành nhét vào bao tải mang đi. Có vườn tiêu còn bị "tiêu tặc" cắt cả cây kéo đi, khiến người nông dân rất lo lắng. Bởi việc trồng và công chăm sóc được một trụ tiêu phải mất 3- 4 năm mới cho thu hoạch, biết bao mồ hôi, công sức và tiền của bỏ ra, nhưng bị phá hoại nên rất đau xót.

Theo ông Đinh Ngọc Hòa, Phó Công an xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar: Công an xã và dân quân địa phương thường xuyên phối hợp tuần tra, kiểm soát nhưng rất khó phát hiện kẻ trộm, vì tiêu thường được trồng thành lô liền kề rất rộng, lực lượng tuần tra không thể đi đến từng vườn được. Vì vậy, biện pháp trước mắt các chủ vườn tiêu phải liên kết cùng nhau bảo vệ, khi phát hiện kẻ trộm thì nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý...

Trước thực trạng này, người trồng tiêu ở Tây Nguyên rất lo lắng và bức xúc với nạn "tiêu tặc" hoành hành mà khó phát hiện và xử lý dứt điểm. Kẻ trộm tiêu rất tinh vi và manh động, thường hoạt động vào ban đêm, buổi trưa khi vắng người, hoặc lợi dụng lúc người dân không để ý lẻn vào vườn tiêu rậm rạp để trộm.

Ông Nguyễn Văn Quéo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết: Cứ đến mùa thu hoạch tiêu, trên địa bàn lại xảy ra tình trạng trộm cắp, gây tâm lý bất an trong người dân. Năm nào ngành chức năng cũng bắt được một số vụ trộm cắp tiêu. Tuy nhiên, biện pháp xử lý cũng chỉ là phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe đối tượng "tiêu tặc".

Chính quyền địa phương cũng thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng và người dân thành lập đội tuần tra, quản lý và giúp đỡ bà con thu hoạch tiêu hiệu quả, tránh mất mát vì nạn "tiêu tặc", song vẫn chưa ngăn chặn được triệt để. Vậy nên, rất cần sự mạnh tay và vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng để giúp bà con nông dân giảm thiểu thiệt hại…

 

Tin nổi bật

HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM 22 NĂM THÀNH LẬP

Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, Lãnh đạo, Quản lý cùng Cán bộ - Công nhân viên Tập đoàn An Thái vui mừng kỷ niệm 22 năm thành lập và phát triển.

Hỗ trợ trực tuyến

Liên kết website

Mở liên kết